"Làng bắt cọp" Làng_Thủy_Ba

Làng Thủy Ba có 4 thôn: Thủy Ba Thượng, Thủy Ba Hạ, Thủy Ba Tây và Thủy Ba Đông[6].

Những năm 1930, miền đất Thủy Ba vẫn ngút ngàn rừng già với lắm thú dữ, nhiều nhất là cọp. Cọp rình rập quanh làng, bắt người và trâu, bò. Nhiều con khôn ranh đến nỗi đêm đến sục vào khu dân cư, dùng đuôi gõ cửa nhà, chủ nhà tưởng có người kêu, dậy mở cửa là bị hổ vồ liền. Nhiều con ranh mãnh, táo tợn còn rình bắt người hoặc bới cả mồ mả để tha xác chết người làng về hang[4]. Để đối phó với thú dữ, làng Thủy Ba ngày đó đã sinh ra nghề bắt hổ. Để bắt được hổ, đội quân bắt hổ phải có dụng cụ bắt hổ và sức mạnh, mưu trí tinh thông võ nghệ[1]. Qua nhiều lần tham gia bắt được hổ dữ và cho đến bây giờ, trong cảm giác của người dân Thủy Ba vẫn còn thấy kinh sợ với con hổ 3 chân chuyên ăn người ở làng. Giữa mùa thu năm 1945, chừng 1 năm sau kể từ khi con cọp trên bị bắn mất một chân, nó đã trở lại vùng rừng già Thủy Ba để tìm người trả thù[1].

Rừng Thủy Ba lắm cọp dữ. Những người lính chiến khu xưa đã nhiều lần nhìn thấy cọp. Cọp về trong cả giấc mơ:

Ngày ấy cọp về rón rén lá rơi / Gió Thủy Ba vờn qua giấc ngủ...

miền Trung có nhiều câu ngạn ngữ về cọp. "Cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận", "Cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ (Quảng Bình)".

Trước khi bắt cọp, người Thủy Ba làm lễ cúng tế trời đất. Họ dùng lưới sót, đinh ba, giáo mác, trống chiêng, la phèng, tù và để bắt cọp. Họ còn dùng cả trâu làm mồi nhử cọp[7].

Khi mọi việc được chuẩn bị và bố trí xong xuôi, người tổng xâu (trưởng làng) đánh một hồi phèng la rồi hô vang:

Thủy Ba đứng dậy cho đềuNghe tiếng ta reo hùm vọt dậy

Lập tức phèng la, trống thúc ngũ nổi lên ba phía lưới, cùng với tiếng hò reo dậy trời. Cuộc chiến vào hồi quyết liệt. Vòng vây lưới hẹp dần. Chúa sơn lâm điên cuồng lao hết chỗ lưới này đến chỗ lưới khác hòng thoát thân, nhưng đều bị các thợ săn tấn công bằng đinh ba, giáo mác từ phía ngoài nên không tài nào thoát ra được. Cuộc "phong toả" bằng lưới có khi kéo dài hàng tuần, cho đến khi cọp mệt nhoài lao đầu vào khoảng lưới đơm, nơi có một cái rọ lưới bằng song mây chờ sẵn. Cửa rọ sập xuống. Tiếng hò reo dậy lên. Cọp bị bắt gầm thét như điên. Từ rọ song mây, cọp bị đẩy vào cái cũi bằng gỗ cứng gọi là rọ kẹp. Già làng chỉ huy cuộc săn tiến tới đeo cái "lục lạc" vào cổ cọp, tuyên bố cuộc săn thắng lợi. Các tráng đinh Thủy Ba khiêng cọp bị trói về làng, theo sau là các xâu thợ săn mặt mày rạng rỡ, chiêng chóng tưng bừng. Cả làng mở hội ăn mừng, giết bò, heo và gà giò làm lễ Hạ vong, tạ ơn trời đất đã phù hộ dân làng diệt trừ ác thú. Nghệ thuật bắt sống cọp bằng lưới sót của làng Thủy Ba điêu luyện đến mức trong chuyến đi kinh đô, họ đã "biểu diễn" cho vua quan "mục sở thị"![7]

Trước khi hành quân vào Kinh đô Huế bắt cọp theo lệnh Vua, các đinh tráng làng Thủy Ba đi quyền, múa tay, chân theo bài "Vè bắt coọc"[3]:

Mùng năm sắc hạ Vua raChiếu tờ xuống huyện đòi Thủy Ba đi liềnĐò vô tận "ải" Thừa ThiênGiữ ma độc nước không yên chăng là...... Đời xưa nỏ có mô riĐời nay dân phải cu-li bắt hùm...

Có lần Vua đã ngự đến tận nơi để tận mắt xem các thợ săn Thủy Ba bắt cọp

Cắt dân vén (dọn) hết hai bênVua quan ngài ngự cũng lên ải này.[8]

Những vũ khí bắt cọp của làng Thuỷ Ba đã trở thành "cổ vật" quý giá của làng còn được lưu giữ là tay lưới sót và chiếc đinh ba hơn trăm tuổi được các thế hệ người Thủy Ba gìn giữ, trân trọng như báu vật một thời gian trước khi đưa vào Bảo tàng Tổng hợp Quảng Trị[2].

Cấy sót là loại dây leo phổ biến ở rừng Vĩnh Linh. Hạt sót hơi đắng nhưng có thể ăn được. Loài cọp cũng rất thích ăn hạt sót chín. Người Thủy Ba chặt cây sót về, đạp dập nát, đem ngâm vào hồ nước vôi như cách ngâm đay ở miền Bắc cho tới khi thịt gỗ cây sót vữa ra, còn lại một loại dây gai rất dai. Người ta se sợi sót này thành dây thừng to bằng ngón tay và đan thành lưới. Mắt lưới rộng bằng bàn tay, mỗi bề khoảng nửa gang tay. Tay lưới sót ở phòng truyền thống xã Vĩnh Thủy có tới trăm năm tuổi vẫn bền dai, giăng lưới ra sân kéo thoải mái mà chẳng hề đứt. Mỗi tay lưới sót như vậy cao tới 3 - 4 m, dài 15 m, nặng tới hai đòn khiêng[6].